Lồng đèn truyền thống xuất ngoại, nghệ nhân rầu lo nghề thất truyền - Tìm Việc Làm

Lồng đèn truyền thống xuất ngoại, nghệ nhân rầu lo nghề thất truyền

Cuối tháng 8, nhiều nghệ nhân tại làng lồng đèn Phú Bình (TPHCM) vẫn đang tất bật hoàn thành những công đoạn cuối của sản phẩm. Đây là làng lồng đèn lớn nhất thành phố, xuất phát từ làng nghề ở Bác Cổ (tỉnh Nam Định).


Ban đầu, những nghệ nhân tại làng nghề Bác Cổ di cư vào miền Nam, lập nghiệp, sinh sống và truyền nghề cho con cháu. Đến ngày nay, số lượng hộ gia đình còn theo nghề truyền thống đã giảm dần so với trước.



Nghệ nhân lồng đèn gia công những công đoạn cuối cùng của sản phẩm (Ảnh: Nguyễn Vy).



Bán hàng không kịp nghỉ


Từ sáng sớm, bà Nguyễn Thị Tươi (60 tuổi), tiểu thương tại làng lồng đèn, đã bận rộn soạn hàng. Tại cửa hàng ở hẻm 423 Lạc Long Quân (quận 11), khách đến tấp nập khiến bà không kịp nghỉ ngơi. Chồng, con gái và một nhân viên phải thay phiên phụ bà Tươi thì mới kịp phục vụ khách.


Chốc lát, cửa hàng của bà Tươi lại có 2, 3 vị khách đến đặt mua lồng đèn với số lượng hơn 100 cái.



Dù tình hình kinh tế khó khăn, lượng khách mua lồng đèn vẫn giữ được sự ổn định so với năm ngoái (Ảnh: Nguyễn Vy).



“Năm nay, dù kinh tế khó khăn, người dân vẫn chi tiền mua lồng đèn để trang trí, đem tặng hoặc để chơi vào dịp Tết trung thu. Để chuẩn bị 20.000-30.000 sản phẩm cho mùa cao điểm vào tháng 8 và tháng 9, xưởng đã bắt đầu gia công những công đoạn đầu tiên từ sau Tết Nguyên đán”, bà Tươi nói.


Chỉ tay về phía dàn lồng đèn truyền thống làm bằng tre và giấy kiếng đủ mẫu mã, kích cỡ, bà Tươi cho hay từ trước đến nay, đây là loại lồng đèn bán chạy nhất. Năm nay, xưởng còn sáng tạo thêm nhiều mẫu mã lồng đèn có hình dáng của nhân vật hoạt hình. Ngoài các khách sỉ và lẻ thường xuyên ghé tiệm, bà Tươi ghi nhận có nhiều khách vãng lai mới xuất hiện.



Cửa hàng lồng đèn tất bật vào dịp cận Tết trung thu (Ảnh: Nguyễn Vy).



Không chỉ cung cấp lồng đèn cho các tỉnh, thành trên khắp cả nước, lồng đèn tại xưởng của bà Tươi đã được khách ở Mỹ, Australia, Nhật Bản đặt mua, với số lượng tối thiểu là 100 cái và nhiều nhất có thể lên đến 2.000 cái.


“Phí vận chuyển đôi lúc còn cao hơn giá trị của cả đơn hàng. Tuy nhiên, một số khách hàng ở nước ngoài vẫn chấp nhận. Sắp tới, họ dự định sẽ tìm hiểu cách vận chuyển lồng đèn bằng tàu để giảm chi phí, tăng số lượng nhập”, bà Tươi chia sẻ.


Mặc dù giá cả nguyên liệu “nhảy vọt”, xưởng của bà Tươi vẫn hạn chế tăng giá các mặt hàng nhằm giữ chân khách. Trung bình, lồng đèn tại xưởng có giá từ 16.000 đến 150.000 hoặc có thể cao hơn tùy vào kích cỡ của sản phẩm.


Anh Hoàng Vinh (34 tuổi) hằng năm đều đi hơn 40km từ TP Tây Ninh đến TPHCM để mua lồng đèn về trang trí quán cà phê. Năm ngoái, anh đã chi hơn 10 triệu đồng để mua sắm cho dịp này. Tuy nhiên năm nay, con số ấy đã giảm một nửa.



Chị Hồng đều đặn mua lồng đèn mỗi dịp Tết trung thu cho các con (Ảnh: Nguyễn Vy).



“Tôi thường ghé làng lồng đèn Phú Bình để mua vì giá rẻ và mẫu mã lúc nào cũng đa dạng. Gần đây, tôi thấy nhiều người thường treo các loại lồng đèn kích cỡ lớn nên cũng muốn mua về trang trí cho quán của mình”, anh nói.


Trước tình hình kinh tế khó khăn, chị Trịnh Thị Hồng (ngụ quận 11) vẫn giữ thói quen chi khoảng 300.000 đồng để mua lồng đèn mỗi dịp Tết Trung thu.


“Tết Trung thu thì không thể nào thiếu lồng đèn được. Vậy nên tôi vẫn cố dành ra một khoản tiền để mua sắm cho các con”, chị Hồng bộc bạch.


Cố sức giữ lửa nghề


Mặc dù công đoạn thực hiện tốn nhiều sức lực và thời gian của nghệ nhân, bà Tươi thú thật hầu như họ chỉ lãi được 500-3.000 đồng/chiếc lồng đèn. Ngoài ra, đây là nghề “làm một mùa, ăn cả năm”. Vì thế, ở các tháng còn lại, bà Tươi phải tranh thủ bán thêm nhiều mặt hàng khác để nuôi gia đình.


Gia công lồng đèn hơn 25 năm, nữ nghệ nhân bộc bạch bà đã có nhiều kỷ niệm vui, buồn. Trong đó, điều khiến bà hạnh phúc nhất chính là có nhiều khách hàng gắn bó với bà từ những ngày đầu tiên bà theo nghề. Tuy nhiên, bà vẫn còn nhiều trăn trở vì bản thân không chắc thế hệ sau sẽ nối nghiệp gia đình, giữ lửa nghề suốt hàng chục năm qua.



Bà Tươi và nhiều nghệ nhân trăn trở khi khó kiếm được người nối nghiệp mình (Ảnh: Nguyễn Vy).



Cách đó không xa, chị Lý Thị Hiếu (42 tuổi) cũng đang bận rộn chuẩn bị cho các đơn hàng trong dịp Tết trung thu. Nếu so với thời điểm dịch Covid-19, tình hình kinh doanh của cửa hàng đã phục hồi rất nhiều. Tuy nhiên, so với năm ngoái, doanh thu bán ra vẫn giảm nhẹ.


“Năm ngoái, thời điểm này là lúc tôi tuyển thêm 3, 4 nhân viên để trông tiệm vì khách đến chật kín. Năm nay, dù đã vào cao điểm nhưng lượng khách không đông đúc bằng mọi năm. Vì thế, cửa hàng chỉ có vợ chồng tôi và một nhân viên cùng nhau quán xuyến”, chị Hiếu chia sẻ.


Trong khi lồng đèn truyền thống vẫn được ưa thích, lồng đèn bằng nhựa lại giảm hơn một nửa số lượng bán ra so với năm ngoái. Dù chị Hiếu đã giảm giá nhưng loại lồng đèn này vẫn kén người mua.


“Một phần nguyên nhân là do hiện có ít xưởng gia công lồng đèn truyền thống, nhu cầu của người dân lại cao nên rất dễ bán hết hàng. Trong khi đó, lồng đèn nhựa được gia công bằng máy móc, số lượng lớn, chưa hợp thị hiếu người Việt nên khó bán hơn”, chị cho hay.


Nhìn quanh cửa hàng mà gia đình đã gắn bó hơn 20 năm, chị Hồng bộc bạch bản thân cảm thấy rất tự hào khi vẫn giữ được “lửa nghề” mà ông bà, bà mẹ truyền lại.


“Nghề truyền thống này rất ý nghĩa và thể hiện được nét đẹp văn hóa của người Việt. Tuy nhiên, nghệ nhân tại làng nghề có một nỗi lo chung chính là khó kiếm được người nối nghề mình. Giới trẻ ngày nay hiếm có ai chịu khó ngồi vót tre, dán kiếng hàng giờ, hàng tháng để đổi lấy thu nhập không ổn định như chúng tôi”, chị Hồng đượm buồn, nói.


Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm


http://dlvr.it/TCkvXr

No comments:

Powered by Blogger.