Bảo hiểm thất nghiệp không “đo” tiền hỗ trợ mà cần giúp lao động trở lại - Tìm Việc Làm

Bảo hiểm thất nghiệp không “đo” tiền hỗ trợ mà cần giúp lao động trở lại

Lãnh đạo ngành lao động các tỉnh phía Nam góp ý cho dự án Luật Việc làm sửa đổi (Ảnh: CTV).



Chiều 6/8, Ủy ban Xã hội của Quốc hội tổ chức Hội thảo tham vấn ý kiến về dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) và Luật Việc làm (sửa đổi) tại TPHCM.


Phát biểu tại hội thảo, ông Đặng Thuần Phong, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội, cho biết: “Mục tiêu của Luật Việc làm là thị trường lao động hoạt động hiệu quả và người lao động quay lại thị trường nhanh nhất cũng như đảm bảo gắn bó chặt chẽ với các chính sách an sinh xã hội.


Do đó, mọi rào cản thủ tục khiến người lao động rời xa chính sách, khó khăn trong việc tiếp cận hay lạm dụng chính sách thì cần phải xem xét, điều chỉnh”.



Ông Đặng Thuần Phong, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội, chủ trì hội nghị (Ảnh: CTV).



Trình bày về các điểm mới của dự án Luật Việc làm (sửa đổi), ông Vũ Trọng Bình, Cục trưởng Cục Việc làm, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, nhấn mạnh 4 nhóm chính sách mà dự án Luật Việc làm lần này tập trung sửa đổi.


Thứ nhất là quản trị thị trường lao động linh hoạt, hiệu quả, hiện đại, bền vững và hội nhập.


Thứ hai là hoàn thiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp là công cụ quản trị thị trường lao động.


Thứ ba là phát triển kỹ năng nghề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.


Thứ tư là thúc đẩy tạo việc làm theo hướng bền vững.



Ông Vũ Trọng Bình, Cục trưởng Cục Việc làm, phát biểu tại hội thảo (Ảnh: CTV).



Theo ông Vũ Trọng Bình, thước đo hiệu quả của Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp không chỉ là hỗ trợ cho người lao động bao nhiêu tiền mà điều quan trọng nhất là bao nhiêu người lao động được chính sách hỗ trợ để quay lại thị trường lao động.


Bà Lượng Thị Tới, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TPHCM, đánh giá những nội dung sửa đổi trong dự án Luật Việc làm lần này cho thấy tầm quan trọng của việc hiện đại hóa hoạt động dịch vụ việc làm và hệ thống thông tin thị trường lao động.


Tuy nhiên, bà Lượng Thị Tới đề nghị ban soạn thảo dự án luật quy định rõ về trách nhiệm cung cấp thông tin thị trường lao động của các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan. Đồng thời, luật cũng cần quy định rõ biện pháp chế tài nếu không thực hiện.


Ngoài ra, bà Lượng Thị Tới đề xuất khi tạo lập cơ sở dữ liệu thông tin thị trường lao động cần cho phép kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu bộ, ngành để tránh trùng lặp.



Bà Lượng Thị Tới, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TPHCM, phát biểu tại hội nghị (Ảnh: CTV).



Cũng tại hội thảo, đại diện Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bình Dương góp ý nhiều điểm chi tiết về chế độ bảo hiểm thất nghiệp.


Theo vị này, cần giải quyết hoặc bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp trên 144 tháng để khuyến khích người lao động có tay nghề làm việc lâu dài hơn.


Ngoài ra, cần điều chỉnh một số điểm như kéo dài thời hạn cho người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp thông báo có việc làm, bổ sung quy định về nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp trực tuyến và các thủ tục liên quan…


Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm


http://dlvr.it/TBbf8W

No comments:

Powered by Blogger.