Lỗ trăm triệu đồng/tháng, chủ chuỗi thời trang hối hận vì “đuổi” khách lẻ - Tìm Việc Làm

Lỗ trăm triệu đồng/tháng, chủ chuỗi thời trang hối hận vì “đuổi” khách lẻ

130 triệu đồng là chi phí trung bình mà chị Kim Hoàng (44 tuổi), chủ cửa hàng bán quần áo trên phố thời trang Lê Văn Sỹ (TPHCM), phải gồng gánh hằng tháng.


Nhưng ngặt nỗi, từ đầu năm đến nay, lượng khách sụt giảm nghiêm trọng, doanh thu ở cửa hàng chỉ đạt 60-70 triệu đồng/tháng. Số tiền này còn không đủ để chị Hoàng chi trả tiền mặt bằng, dẫn đến việc tháng nào cũng phải gồng lỗ.



Hàng loạt cửa hàng đóng cửa, trả mặt bằng vì kinh doanh ế ẩm (Ảnh: Nguyễn Vy).



Thương hiệu lớn nay chỉ còn cảnh đìu hiu


18h, tuyến phố chuyên doanh mặt hàng thời trang trên đường Lê Văn Sỹ đã “lên đèn”. Nhân viên tại các cửa hàng quần áo đứng sẵn ở cửa, hồi hộp ngóng khách lúc “giờ vàng”. Thế nhưng, mặc cho dòng người qua lại đông đúc, các cửa hàng trên tuyến phố này vẫn rơi vào cảnh đìu hiu, vắng khách.



Chiều tan tầm, nhân viên đứng ở cửa “ngóng” khách (Ảnh: Nguyễn Vy).



Ngồi giữa lối đi vào khu vực thanh toán, chị Kim Hoàng cùng hai nhân viên thờ thẫn sắp xếp lô hàng mới vào kệ. Gương mặt chị Hoàng rầu rĩ, lúc nào cũng hướng ra phía chiếc cửa kính, không thôi hi vọng sẽ có khách bước vào.


Cửa hàng của chị Hoàng có 2 gian, với giá thuê hàng nghìn USD/tháng. Nếu tình trạng kinh doanh cứ ngày một tệ hơn, chị Hoàng cho biết sẽ phải trả bớt 1 gian nhà.


“Trước đây, khách hàng hằng tháng mua 2-3 cái áo, quần giá vài triệu đồng là chuyện bình thường. Nhưng bây giờ người ta chỉ mua một cái và 3 tháng sau mới thấy quay lại”, chị Hoàng nói.


Bà chủ cho hay, thương hiệu quần áo của chị đã tồn tại được hơn 13 năm. Nhớ về thời “hoàng kim”, chị Hoàng tiếc nuối, cho hay thương hiệu của mình từng có 3 chi nhánh đặt ở những mặt bằng đắc địa nhất TPHCM.



Không ít thương hiệu nổi tiếng cũng chịu cảnh sang nhượng mặt bằng (Ảnh: Nguyễn Vy).



Bán quần áo hàng hiệu ở phân khúc cao cấp, các cửa hàng của chị từng tiếp rất nhiều khách là chủ doanh nghiệp, người nổi tiếng đến mua sắm. Thời điểm đó, doanh thu vài trăm triệu đồng/tháng là chuyện không quá khó khăn đối với chị.


Thế nhưng, giai đoạn Covid-19 ập đến. Có hơn 30 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực thời trang, chị Hoàng vẫn phải thừa nhận bản thân không “đỡ” nổi tình thế khó khăn ấy. Vậy nên, từ 3 cửa hàng, chị phải “cắn răng”, đóng vội 2 cái để dồn tiền gồng gánh cửa hàng còn lại trên đường Lê Văn Sỹ.


Khi đến giai đoạn bình thường mới, việc kinh doanh bỗng “phất” trở lại khiến chị Hoàng ngỡ đã cứu được “đứa con tinh thần”. Tuy nhiên, chỉ sau 1 năm, tình hình kinh tế khó khăn, việc kinh doanh ngày càng trở nên tệ hơn.


Chị Hoàng phải sa thải 5 nhân viên, chỉ còn giữ lại 3 người. Từ bà chủ chỉ lo việc quản lý từ xa, giờ đây chị phải ra cửa hàng để lo cả việc của nhân viên. Chị Hoàng còn phải… năn nỉ chủ nhà giảm tiền thuê mặt bằng.


“Kinh tế khó khăn nên khách hàng “thắt lưng buộc bụng”, chi tiêu ít hơn. Sau dịch Covid-19, người tiêu dùng cũng thay đổi thói quen mua sắm sang mua hàng trực tuyến.



Từng là tuyến phố thời tràng nhộn nhịp ở TPHCM, đường Lê Văn Sỹ trở nên đìu hiu vì vắng khách (Ảnh: Nguyễn Vy).



Mối quen bỏ sỉ vì không bán được cũng xin khất tiền hàng, hẹn ngày thanh toán sau. Mọi chi phí từ điện, nước, vận chuyển cứ tăng dần mà vì bán ế nên tôi không dám tăng giá. Những khó khăn cứ chồng chất lẫn nhau, khiến tôi cảm thấy vô cùng áp lực”, chị Hoàng thở dài, nói.


Dọc trên tuyến đường Lê Văn Sỹ, nhiều cửa hàng thời trang đã “cửa đóng, then cài”, treo biển sang nhượng vì chủ không gồng gánh nổi chi phí lớn. Chị Hoàng phải thừa nhận rằng, chỉ những người kinh doanh lâu năm, vốn lớn thì mới đủ sức bám trụ.


Bám trụ bằng mọi giá


Cách đó không xa, thương hiệu thời trang S.F. cũng chịu cảnh doanh sụt giảm hơn 80%. Thương hiệu này có hàng chục chi nhánh trên địa bàn TPHCM, tuy nhiên, từ tháng 3/2023 đến nay, cửa hàng nào cũng ghi nhận doanh thu sụt giảm.


Chị Nhung (31 tuổi), quản lý cửa hàng, cho hay trước đây, doanh thu 40-50 triệu đồng là chuyện bình thường đối với chi nhánh trên đường Lê Văn Sỹ. Nhưng trong 1 năm qua, mỗi ngày, cửa hàng chỉ duy trì doanh thu 2-3 triệu đồng. Công ty quản lý tháng nào cũng phải bỏ tiền gồng lỗ, chi trả các khoản phí “khổng lồ”.



Chủ cửa hàng đưa ra nhiều chương trình khuyến mãi nhưng tình hình kinh doanh vẫn không khả quan (Ảnh: Nguyễn Vy).



“Từ 4-6 nhân viên, hầu như các cửa hàng giờ đây chỉ còn giữ lại 2 người. Lượng khách và cả sức mua đều ghi nhận có sự sụt giảm. Đây là tình hình khó khăn chung, chúng tôi cũng phải cố gắng duy trì chứ không còn cách nào khác”, chị Nhung nói.


Theo chị Kim Hoàng, vì đã gầy dựng thương hiệu hơn 10 năm, bản thân chị phải cố hết sức để cứu “đứa con tinh thần” của mình bằng mọi giá.


“Ngày xưa… chảnh lắm. Vì cửa hàng chuyên bỏ mối sỉ, số lượng lớn, khách tới nườm nượp nên nhiều lúc tự đưa ra tiêu chuẩn riêng, ai đặt ít quá cũng không thèm giao. Nhưng bây giờ ế ẩm rồi, khách mua 1-2 cái vẫn lật đật soạn hàng giao ngay.



Người dân thắt chặt chi tiêu, những mặt hàng giải trí, tiêu dùng không cần thiết sẽ trở nên ế ẩm (Ảnh: Nguyễn Vy).



Trước đây tôi cũng không cần bán hàng trên các kênh trực tuyến (online), nhưng bây giờ, bản thân phải ráo riết đến các lớp dạy kinh doanh online, nhờ người thân chỉ cách tạo trang bán hàng để theo kịp người khác”, chị Hoàng ngại ngùng, nói.


Kinh doanh thời trang từ lúc mới 14 tuổi, chị Hoàng bộc bạch bản thân có sự đam mê sâu sắc dành cho lĩnh vực này. Thời điểm đó, chị một mình tự biến đam mê thành cơ nghiệp, cống hiến cả sức trẻ của mình.


“Nhớ lại thời đó thấy tiếc hùi hụi. Thương hiệu của mình từng rất nổi tiếng, tuyến đường này cũng là thiên đường mua sắm của biết bao nhiêu người nhưng bây lại trở nên đìu hiu thế này. Bản thân cảm thấy rất buồn, nhưng tôi sẽ cố gắng vượt qua, bám trụ đến cùng”, chị Hoàng nhấn mạnh.


*Tên nhân vật đã được thay đổi theo yêu cầu


Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm


http://dlvr.it/T5K2mf

No comments:

Powered by Blogger.